Thường trực ban bí thư Trương Tấn Sang: Tham nhũng phải được đẩy lùi


Chống tham nhũng là một trong những vấn đề luôn được cử tri quan tâm. Ứng cử viên đại biểu Quốc hội Trương Tấn Sang – ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư – khẳng định sẽ có bước tiến mới trong công tác phòng chống tham nhũng. Ứng cử viên Phạm Thị Hồng Ánh (diễn viên) cũng nhấn mạnh chống tham nhũng phải kiên quyết, không thể “đóng cửa bảo nhau”.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông TRƯƠNG TẤN SANG – ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị bầu cử số 1 (Q.1, Q.3 và Q.4 – TP.HCM) – nói:

Ông Huỳnh Công Thành (cử tri phường Cô Giang, Q.1, TP.HCM) đóng góp ý kiến tại đơn vị bầu cử số 1 sáng 8-5 với ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII gồm các ông Trần Du Lịch, Hoàng Hữu Phước, Trương Tấn Sang, Nguyễn Đăng Trừng và Phạm Minh Tuấn – Ảnh: MINH ĐỨC
- Chúng tôi hết sức xúc động trước những mong mỏi, đòi hỏi của cử tri đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII. Chúng tôi thấu hiểu những tình cảm, ý chí, nguyện vọng của cử tri là hết sức chính đáng. Tôi mong rằng những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa mới phải hết sức xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân gửi gắm.
Tôi xúc động và cảm thấy xấu hổ vì chưa làm được nhiều so với những mong muốn của nhân dân. Hi vọng trong nhiệm kỳ của Quốc hội sẽ có những bước tiến nhất định.
* Thưa ông, bên cạnh đời sống người dân gặp khó khăn do giá cả tăng ở mức cao thì tham nhũng gây nên những bất công xã hội như cử tri phản ảnh. Tới đây trung ương sẽ có những quyết sách gì để phòng chống tham nhũng, làm hài lòng cử tri cũng như đảm bảo ổn định cuộc sống cho họ?
– Kinh tế tăng trưởng cao nhưng lạm phát cũng cao, nghĩa là hiệu quả kém, đặc biệt dân nghèo và những người ăn lương thấp hết sức khốn khổ. Kết quả của sự phát triển kinh tế đó là không mang lại lợi ích cho nhân dân, đặc biệt dân nghèo.
Trong bối cảnh như vậy, năm nay trung ương có chủ trương cải thiện thu nhập của những người làm công ăn lương, công nhân viên chức… Nhưng chúng tôi cũng rất lo, khi sửa đổi chính sách tiền lương mà lạm phát không kiềm chế được thì việc sửa đổi đó cũng không có ý nghĩa.
Còn về phòng chống tham nhũng rõ ràng đã làm được một số việc nhưng so với mục tiêu, yêu cầu ngăn chặn và đẩy lùi thì chưa thành công. Kết quả trên những vụ việc tham nhũng cụ thể là có, nhưng những kết quả đó chưa dẫn đến mục tiêu hết sức quan trọng là ngăn chặn và đẩy lùi như nghị quyết trung ương 3 khóa X đặt ra.
Những cơ chế, chính sách, tổ chức và tổ chức chỉ đạo mà dẫn đến kết quả không tốt là dứt khoát phải sửa, kể cả ở trung ương và địa phương. Nếu làm được như vậy, chắc chắn sẽ có bước tiến nhất định. Tôi không dám nói là có chuyển biến ghê gớm, nhưng chắc chắn sẽ có bước tiến vì nhiều đồng chí lãnh đạo có dịp tiếp xúc cử tri như thế này có lẽ đã thấu hiểu hơn lòng dân, khi trở về phải suy nghĩ làm cái gì đó để đạt kết quả tốt hơn.
* Thưa ông, trước hết những vấn đề nào, khâu nào cần sửa đổi để có hiệu quả hơn, chẳng hạn như về tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng, hay vị trí người đứng đầu các ban chỉ đạo…?
- Tất cả, không loại trừ bất cứ sửa đổi nào. Tới đây phải nghiêm túc rà soát lại, khâu nào, thể chế nào, con người nào chưa đáp ứng được mục tiêu dứt khoát phải sửa thôi. Đấy là điều rất tự nhiên. Lòng dân muốn Tổ quốc này phải vinh quang, đất nước phải anh hùng, không thua kém ai.
Như một cử tri đã nói trước kia là một con sâu làm rầu nồi canh, bây giờ nhiều con sâu lắm. Thật hết sức xấu hổ, nhưng không lẽ cứ để hoài như vậy. Một con sâu, rồi nhiều con sâu đã thấy nguy hiểm rồi, còn để có một bầy sâu thì chết đất nước này. Do vậy, hãy tin khóa XI của Đảng và khóa XIII của Quốc hội chắc chắn sẽ có bước tiến. Những chủ trương, cơ chế, thể chế, tổ chức, kể cả vấn đề chỉ huy… mà thấy rằng nó chưa mang đến kết quả thì phải sửa, phải làm một cách dứt khoát.

Ông Trương Tấn Sang – Ảnh: M.ĐỨC
* Thưa ông, cũng qua những cuộc tiếp xúc, cử tri nêu nhiều băn khoăn về hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước?
- Nói một cách công bằng, khối doanh nghiệp nhà nước đóng góp gần 40% GDP quốc gia, thuế má cũng đóng góp nhiều. Tuy nhiên, có mấy vấn đề cần phải giải quyết.
Cần luật hóa, quy định rất rõ quyền hạn và trách nhiệm, kể cả đối với tổ chức và cá nhân sử dụng đồng vốn nhà nước trong kinh doanh, chứ không thể để như hiện nay khi có chuyện xảy ra thì trách nhiệm của ai không rõ, người này đổ người kia. Dứt khoát điều này không thể kéo dài.
Quốc hội khóa XIII cần ban hành đạo luật hay dạng văn bản pháp quy, trong đó quy định rõ ai có quyền, có trách nhiệm khi sử dụng đồng vốn, tài sản nhà nước trong kinh doanh. Tôi thấy một số nước có doanh nghiệp nhà nước nhiều như ở nước ta cũng làm như vậy, ở đâu cũng có địa chỉ chịu trách nhiệm rõ ràng. Người kinh doanh vốn nhà nước có quyền và khi xảy ra chuyện gì thì trách nhiệm cá nhân rất rõ chứ không phải là “tôi và chúng ta”, dứt khoát không có điều này.
QUỐC THANH thực hiện

0 nhận xét:

Đăng nhận xét