Đồng chí Trương Tấn Sang tham dự hội nghị tổng kết quan hệ Việt – Lào


Ngày 6/6, Hội nghị tổng kết Dự án biên soạn “Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam- Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007)” đã được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhằm đánh giá công tác triển khai và kết quả thực hiện Dự án, tổ chức khen thưởng, tiến hành bàn giao các sản phẩm cho phía Lào; họp báo công bố các sản phẩm và hướng dẫn công tác tuyên truyền các sản phẩm của công trình.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, có các đồng chí: Bunnhăng Vôlachit, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Xamản Vinhakhệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Tư tưởng, Lý luận và Văn hóa Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án biên soạn lịch sử Lào – Việt Nam; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo biên soạn lịch sử Việt Nam – Lào; Phanđuôngchit Vôngsả, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tham dự Hội nghị, có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương của Việt Nam và Lào; các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử đến từ hai nước; đại diện các tầng lớp  nhân dân Thủ đô Viêng Chăn; đại diện cộng đồng Việt kiều tại Lào; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí của Lào, Việt Nam và một số nước khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Xamản Vinhakhệt nêu rõ: Hội nghị Tổng kết công trình biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào được tổ chức trong không khí hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào, Việt Nam long trọng kỷ niệm 100 năm ngày ra đi tìm đường cứu nước và 121 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay; người sáng lập tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt  Việt Nam – Lào. Lào – Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh, trong bốn năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương của hai Đảng, hai Ban chỉ đạo biên soạn đã vượt qua nhiều khó khăn, tập hợp và tổ chức đông đảo các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, nhiều cơ quan, ban, ngành… tham gia biên soạn các sản phẩm của công trình. Đến nay, công trình đã xuất bản được các sản phẩm chủ yếu, tổng hợp một cách khách quan và toàn diện nhất, xứng đáng là một biểu tượng có giá trị của tình hữu nghị đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào.

Truong Tan Sang

Đoàn Chủ tịch Hội nghị.

Đại diện của hai Ban chỉ đạo đã trình bày báo cáo quá trình thực hiện nhiệm vụ và các kết quả đạt được. Công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007)” với 6 sản phẩm gồm:

Sản phẩm chính Bộ lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam được thu thập xử lý qua 645 đầu mục tài liệu tiếng Việt, tiếng Lào và các tiếng nước ngoài khác, trong đó phần lớn là các tài liệu, tư liệu gốc, có độ tin cậy cao, được thẩm định qua 30 cuộc hội thảo và nhiều lần xin ý kiến các chuyên gia, các nhân chứng lịch sử…

Bộ văn kiện đảng, nhà nước gồm 5 tập với 558 văn bản quan trọng, gồm những bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng Đông Dương; tài liệu của Trung ương hai Đảng; một số bài viết và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước; tài liệu của hai Nhà nước; tài liệu của các bộ, ban, ngành của hai nước có liên quan đến quan hệ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.

Bộ hồi ký, gồm 3 tập, tập hợp trên hai trăm năm mươi bài viết của các Nhà lãnh đạo, các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào qua các thời kỳ, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận cùng các tổ chức, đoàn thể nhân dân, các ngành, các địa phương của Việt Nam và Lào.

Bộ biên niên sự kiện, gồm 2 tập với 1.954 sự kiện chọn lọc về tình đoàn kết chiến đấu, thuỷ chung son sắt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong những năm tháng đấu tranh gian khổ, giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Bộ sách ảnh tập hợp hơn 300 bức ảnh được chọn lọc, tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật, trong đó có nhiều bức ảnh tư liệu quý lần đầu tiên được công bố, đã phản ánh một cách khách quan, có hệ thống và tiêu biểu về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào qua các thời kỳ lịch sử. Cuốn sách được chú thích bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt Nam, tiếng Lào và tiếng Anh.

Bộ phim tài liệu “Bản anh hùng ca quan hệ Việt – Lào” gồm 10 tập phim nhựa (độ dài 100 phút) với nhiều thước phim tư liệu quý giá lần đầu tiên được sưu tầm và ấn hành. phản ánh khá toàn diện, phong phú và sinh động những hoạt động trong tiến trình phát triển quan hệ đặc biệt của hai nước Việt Nam – Lào, từ liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, nhằm giải phóng dân tộc của mỗi nước đến quan hệ hợp tác toàn diện nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đồng chí Trương Tấn Sang đã phát biểu, trân trọng ghi nhận, cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực của hai Ban Chỉ đạo, tinh thần làm việc say mê, khoa học, có trách nhiệm cao của các Ban Biên soạn và các bộ phận có liên quan; sự giúp đỡ to lớn, tận tình, tâm huyết của các cựu chuyên gia, các nhân chứng lịch sử, của các ngành, các địa phương… ở hai nước. Đồng chí khẳng định: đây là công trình có giá trị khoa học giá trị tư tưởng cao, có nội dung phong phú, đầy đủ, hệ thống, khách quan và toàn diện nhất về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam từ năm 1930 đến nay. Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt việc biên dịch, xuất bản các sản phẩm bằng 3 thứ tiếng Việt Nam, Lào, Anh. Đồng thời, để phát huy tác dụng giáo dục chính trị tư tưởng của công trình, hai bên cần phối hợp tổ chức quảng bá, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước và bạn bè quốc tế về các sản phẩm này; về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, thuỷ chung, trong sáng của hai nước.

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, đồng chí Bunnhăng Vôlachit, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào phát biểu nhấn mạnh tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam được vun trồng, phát triển qua hoạt động thực tiễn suốt gần một thế kỷ qua; được thử thách qua những năm tháng đạn lửa của liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, qua sự hợp tác toàn diện để bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó là yếu tố quyết định thắng lợi, là quy luật tồn tại và phát triển của sự nghiệp cách mạng ở hai nước. Chính vì vậy, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong những năm qua đã dành sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát đối với công trình biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam từ năm 1930 đến năm 2007. Đồng chí hoan nghênh kết quả lao động không mệt mỏi của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân của hai nước; đồng thời yêu cầu kết quả của công trình cần được đưa vào chương trình giáo dục, cần được tuyên truyền một cách thiết thực đến nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo biên soạn lịch sử Việt Nam – Lào đã tổng kết, nêu bật ba thành công lớn của công trình: Một là, đã đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương hai Đảng, thể hiện rõ trách nhiệm cao cả trước lịch sử, trước Đảng và nhân dân hai nước. Hai là, đã tái hiện chân thực và sinh động lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, được thực hiện với một khối lượng công việc rất to lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cơ quan của hai nước và đã đạt được kết quả vượt hơn sự mong muốn. Ba là, công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị, khoa học và giáo dục sâu sắc, là những thông điệp gửi đến các thế hệ mai sau về quy luật đoàn kết quốc tế Việt Nam – Lào, đoàn kết ba nước Đông Dương.

Đồng chí cũng nêu rõ: để Dự án tiếp tục được hoàn thiện, yêu cầu Ban Chỉ đạo, các ban biên soạn và Văn phòng Dự án của hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật (Việt Nam) tổ chức xuất bản các sản phẩm còn lại theo kế hoạch, đảm bảo đúng chất lượng cả về nội dung và hình thức, hạn chế tối đa các sai sót trong quá trình biên tập, xuất bản. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chủ trì, xây dựng kế hoạch hướng dẫn và chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền các sản phẩm của công trình trong các tầng lớp nhân dân, góp phần vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Hội nghị đã công bố quyết định khen thưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện công trình.

Ngày 7/6, Hội nghị tiếp tục làm việc với nội dung chính là tổ chức họp báo về quá trình triển khai, kết quả thực hiện, giá trị, ý nghĩa  của công trình và những công việc sắp tới trong khuôn khổ Dự án biên soạn “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007)”

PV


(Theo website Trương Tấn Sang)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét