Ông Trương Tấn Sang thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt của VKSND tối cao


Ngày 31/8/2011, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đến thăm và làm việc với Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng dự có đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực kiêm Trưởng ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Dương Thành Bắc, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cùng các thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Về phía Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trần Phước Tới, Lê Hữu Thể. Đại diện Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự buổi làm việc.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương lưu bút tại phòng Truyền thống Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương lưu bút tại phòng Truyền thống Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí thành viên trong Đoàn công tác nghe đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị quán triệt đến lãnh đạo và toàn thể cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát nhân dân; ban hành Kế hoạch số 63/BCS-VKSTC ngày 18/01/2006 về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân (giai đoạn 2006-2010). Hàng năm, căn cứ nội dung Chương trình trọng tâm công tác tư pháp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Chương trình, Kế hoạch, Nghị quyết để chỉ đạo thực hiện thống nhất trong ngành và phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp theo lộ trình đề ra. Chỉ đạo Viện trưởng Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chương trình, Kế hoạch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh uỷ, Thành uỷ về cải cách tư pháp. Cùng các cơ quan tư pháp Trung ương sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân, đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp.

Đồng thời, kiến nghị Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức thực hiện lộ trình về Chiến lược cải cách tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan Nhà nước khác và giữa các cơ quan tư pháp với nhau. Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát nhân dân có sự nhận thức sâu sắc hơn về mục tiêu, nội dung của Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng. Viện kiểm sát các cấp quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm đối với các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và đạt được kết quả tích cực.

Để thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất một số vấn đề như: Cần có các thiết chế để Viện kiểm sát thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, phúc đáp yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương có định hướng để xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo hướng xây dựng nền công tố mạnh, có vị trí quan trọng trong hoạt động điều tra. Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm cao hơn, chủ động hơn trong quá trình điều tra, mặt khác tiếp tục khẳng định chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp-một chức năng đặc thù, có tính lịch sử của Viện kiểm sát; một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát việc thực hiện quyền lực tư pháp của các cơ quan tư pháp, góp phần bảo đảm các hoạt động tố tụng tư pháp được tiến hành đúng pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị; xây dựng Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân theo mô hình bốn cấp Viện kiểm sát; cùng một số nội dung về công tác tổ chức cán bộ, đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân đã có những đổi mới, đồng bộ, tạo được kết quả rõ rệt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Chủ tịch nước chỉ rõ, ngành Kiểm sát nhân dân cần tập trung thực hiện tốt hai chức năng của mình, đó là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 của Đảng, Nhà nước xác định mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN. Yêu cầu đó, đòi hỏi ngành Kiểm sát phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của ngành theo tiến trình cải cách tư pháp

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Đoàn công tác chụp ảnh chung với Lãnh đạo Viện, cán bộ chủ chốt Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Đoàn công tác chụp ảnh chung với Lãnh đạo Viện, cán bộ chủ chốt Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý, ngành Kiểm sát nhân dân cần nghiên cứu, khắc phục triệt để tình trạng thiếu biên chế ở một số Viện kiểm sát địa phương; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ các cấp để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh. Ngoài ra, cần chú ý công tác xây dựng Đảng trong toàn ngành, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tạo quyết tâm cao, tích cực, chủ động trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Trường Thanh


(Theo website Trương Tấn Sang)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét