Bưu điện Trung ương - Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới


Được thành lập với nhiệm vụ  phục vụ những yêu cầu riêng biệt về thông tin liên lạc bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và bí mật trong mọi tình huống giữa Trung ương Đảng và Chính phủ với các cơ quan, các ngành, các cấp, liên tục 46 năm qua, Bưu điện Trung ương đã có những đóng góp thầm lặng nhưng to lớn, góp phần quan trọng vào những thành tựu kinh tế – xã hội của đất nước.
Anh hùng trong chiến đấu

Bưu điện Trung ương bảo đảm thông tin phục vụ Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng

Ngày 17/4/1965, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Nghị quyết số 115-NQ/TW thành lập Cục Bưu điện Đặc biệt, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Văn phòng Trung ương Đảng. Thực hiện Nghị quyết trên, ngày 17/6/1965, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 101/CP thành lập Cục Bưu điện Trung ương trực thuộc Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh, làm nhiệm vụ biệt phái, trực tiếp phục vụ Văn phòng Trung ương Đảng và Chính phủ.
Quyết định thành lập khi đó ghi rõ, “Cục Bưu điện Trung ương có trách nhiệm phục vụ những yêu cầu riêng biệt về thông tin liên lạc, cần được bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và bí mật giữa Trung ương Đảng và Chính phủ với các cơ quan, các ngành, các cấp”.

Trong những năm tháng chiến tranh, Bưu điện Trung ương đã đào tạo hàng ngàn công nhân, kỹ thuật viên vô tuyến điện cho các chiến trường B, C, K và phục vụ thông tin cho Hội nghị đàm phán hòa bình Paris; phục vụ liên lạc cho Trung ương và Bác Hồ suốt những năm kháng chiến.

Các thế hệ cán bộ công nhân viên (CBCNV) Cục Bưu điện Trung ương đã dũng cảm, tận tụy, quên mình để bảo đảm thông tin của Ðảng và Chính phủ thông suốt. Những cống hiến của đơn vị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được Ðảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều Huân chương các loại và danh hiệu Anh  hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng trong lao động

Đất nước thống nhất, mạng lưới của Bưu điện Trung ương được mở rộng tới các tỉnh, thành phố trong cả nước với 3 trung tâm vùng, bảo đảm thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Cán bộ, công nhân viên Bưu điện Trung ương nỗ lực đảm bảo liên lạc thông suốt trong mọi tình huống

Đơn vị đã nhiều lần được tổ chức lại cho phù hợp với mô hình tổ chức của Tổng cục Bưu điện, Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam và nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ngày 20/5/2008, Cục Bưu điện Trung ương được thành lập lại theo Quyết định của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bưu chính viễn thông với tên gọi Bưu điện Trung ương.
Trong suốt 46 năm qua, với phương châm phục vụ “Bí mật, An toàn, Nhanh chóng, Chính xác”, đội ngũ cán bộ, công nhân viên Bưu điện Trung ương luôn thể hiện sự tận tụy, trung thành, dũng cảm, giữ vững thông tin thông suốt, phục vụ đắc lực cho Đảng và Nhà nước trong mọi tình huống.

Thực hiện những yêu cầu mới về thông tin liên lạc phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước đồng thời bám sát Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin – Truyền thông”, Bưu điện Trung ương đã xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư phát triển vượt trội về năng lực mạng lưới và dịch vụ.

Về Bưu chính, đã thiết lập tuyến vận chuyển đặc biệt, triển khai áp dụng công nghệ an ninh hiện đại đảm bảo mục tiêu nhanh chóng, an toàn tuyệt đối.

Bưu điện Trung ương đã cập nhật công nghệ mới, đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông, công nghệ thông tin, đồng bộ mạng lưới, đáp ứng kịp thời yêu cầu thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bưu điện Trung ương đã luôn đảm bảo tốt thông tin liên lạc phục vụ các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, từ Đại hội IV đến Đại hội XI, các hội nghị BCH Trung ương, các đợt bầu cử Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ, các hội nghị thượng đỉnh quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.

Đất nước hội nhập quốc tế, Bưu điện Trung ương cũng ghi thêm nhiều dấu ấn trong đảm bảo thông tin cho nhiều sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam và các hoạt động đối ngoại có ý nghĩa chính trị lớn như Hội nghị Hội đồng liên minh nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPO) năm 2002, Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM-5) năm 2004, Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 14 năm 2006… Tháng 12/2009, qua đường truyền mạng Truyền số liệu (TSL) chuyên dùng và thiết bị truyền hình hội nghị do Bưu điện Trung ương phục vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thảo luận trực tuyến với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon tại New York (Hoa Kỳ) và lãnh đạo một số quốc gia về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hệ thống đường dây nóng phục vụ lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã được Bưu điện Trung ương cùng Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với phía bạn thiết lập và quản lý, vận hành, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Qua các sự kiện trên, năng lực phục vụ của Bưu điện Trung ương đã tạo được sự hài lòng, tin cậy của bạn bè quốc tế về chất lượng dịch vụ, khả năng đáp ứng các yêu cầu thông tin, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.

Không chỉ đảm bảo liên lạc thông suốt trong điều kiện bình thường, Bưu điện Trung ương còn đáp ứng tốt các yêu cầu đột xuất, cấp bách của đất nước.

Năm 2009, cơn bão số 9 đổ vào miền trung, mọi tuyến liên lạc bị mất, Bưu điện Trung ương đã triển khai máy vô tuyến sóng ngắn, thiết bị liên lạc vệ tinh theo sát đoàn công tác của Chính phủ, sẵn sàng kết nối thông tin tới các điểm bị cô lập. Hay như trong dịp Tết Canh Dần 2010, tỉnh Lào Cai bị cháy rừng phòng hộ quốc gia, nằm sâu trong vùng hẻo lánh nên việc tiếp cận và bảo đảm thông tin vô cùng khó khăn. Bưu điện Trung ương đã kịp thời phối hợp với VNPT Lào Cai phục vụ đoàn công tác của Chính phủ chỉ đạo điều hành dập tắt cháy rừng.

Được giao nhiệm vụ xây dựng “Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng Nhà nước”, Bưu điện Trung ương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mạng này từ năm 2008, kết nối từ trung ương tới 63 tỉnh, thành phố phục vụ hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành trong mọi tình huống. Đây cũng là một bước tạo tiền đề góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình xây dựng nền hành chính điện từ và Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Đến nay sau một thời gian chỉ đạo triển khai thực hiện, dự án đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt thiết bị chính thức đưa vào vận hành khai thác với ba trung tâm quản lý mạng đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cùng với thiết bị truy nhập tại các Bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh thành phố trong cả nước (bao gồm các cơ quan Đảng, chính quyền) kết nối thông tin tới tất cả các Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện sử dụng phương thức chuyển mạch nhãn đa giao thức trên nền IP cung cấp các cổng kết nối Internet băng thông rộng, tốc độ cao từng bước phục vụ tốt các yêu cầu thông tin liên lạc từ Trung ương xuống các địa phương một cách nhanh chóng kịp thời.

Với công nghệ tiên tiến của mạng Truyền số liệu chuyên dùng, từ năm 2007 đến nay, Bưu Điện Trưng ương đã phục vụ  nhiều phiên họp của các đồng chí lãnh đạo với các ban của Đảng, các phiên họp Chính phủ thường kỳ, họp giao ban trực tuyến của các Bộ, ngành, của Chính phủ với với lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước.

Qua những bước phát triển này, có thể khẳng định về sự trưởng thành và ngày càng phát triển của của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, kỹ sư và kỹ thuật viên VNPT, Bưu điện Trung ương trong việc tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực viễn thông, CNTT phục vụ các yêu cầu của Đảng, Nhà nước.

Ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các thế hệ cán bộ, công nhân viên Bưu điện Trung ương, ngày 23/11/2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2186/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Bưu điện Trung ương vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ Tổ quốc.

Xuân Tuyến

0 nhận xét:

Đăng nhận xét