Khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa XI


Diễn ra từ ngày 4 – 10/7, Hội nghị lần thứ hai BCH TƯ Đảng khóa XI sẽ tập trung vào các nội dung chính là thảo luận, quyết định chương trình, quy chế làm việc, chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và công tác nhân sự.

Hội nghị khai mạc hôm nay, 4/7 tại Hà Nội, trong bối cảnh cả nước vui mừng trước thành công tốt đẹp của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thắng lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

hoi-nghi-TW-dang

Khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa XI

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đồng thời nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ trước mắt theo tinh thần các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, tích cực cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII.

Quyết định chương trình, quy chế làm việc

Hội nghị sẽ thảo luận và quyết định về Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.

Về Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là công việc rất quan trọng của Hội nghị Trung ương đầu khóa, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hóa, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội.

Với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ra nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới mà Đại hội XI đã xác định. Ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết hoặc những khâu cần đột phá như tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; chính sách pháp luật về đất đai; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường; chính sách an sinh xã hội…

Về quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là sự cụ thể hóa Điều lệ Đảng, chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan đảng, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Về triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Báo cáo chính trị của Đại hội XI xác định rõ mục tiêu, định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Đại hội đã quyết định phải khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất khó và hệ trọng, cần được tiến hành một cách khoa học và chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói.

Giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt

Một nội dung quan trọng nữa được Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề cập đó là việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, ngay sau Đại hội XI, Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị giới thiệu các đồng chí Ủy viên Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở cấp mình.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã thành công tốt đẹp. Theo quy định của pháp luật, ngày 21/7/2011 sắp tới, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước.

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ dành thời gian thích đáng để xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, việc chuẩn bị nhân sự lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.

Theo chương trình dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra tới hết ngày 10/7/2011.

Nguyễn Hoàng


(Theo website Trương Tấn Sang)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét