Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén


Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Hôm nay (30/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, một số giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2011.

phien-hop-thu-41

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bước vào năm 2011, trên cơ sở các đánh giá, dự báo và nhận thức rõ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra với nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2011.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH trong nước và quốc tế những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và báo cáo Bộ Chính trị ra Kết luận 02/KL-TW và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/NQ-QH12, với các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mức bội chi thấp nhất mấy năm gần đây

Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những “điểm sáng” như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng, xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần kế hoạch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ…

Kết quả thu – chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm cho thấy, hết tháng 6/2011 tổng thu ngân sách đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán. Chi ngân sách đạt 355.600 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Như vậy, bội chi ngân sách 6 tháng là 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Đây là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Đặc biệt, thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định; thu chi ngân sách đạt khá, bội chi giảm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang chậm lại; cắt giảm đầu tư công có hiệu quả nhưng vẫn tăng đầu tư cho “tam nông”; đã có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tăng giá của thị trường bất động sản; an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng – an ninh được tăng cường và giữ vững…

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng đạt thấp; thị trường chứng khoán sụt giảm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn…

Phấn đấu một số chỉ tiêu cơ bản

Về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng, cần tập trung quyết liệt vào điều hành một số chính sách lớn như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, cần thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng cũng như chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, ổn định thị trường, bảo đảm ổn định cung – cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện kiên trì và nhất quán điều hành giá xăng dầu, điện, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Với việc ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cho rằng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản năm 2011 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Cần những giải pháp chiến lược dài hạn, vững chắc hơn

Thảo luận về các báo cáo trên, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, sự điều hành của Chính phủ đã tạo niềm tin của nhân dân, nhất là đối với các chính sách an sinh xã hội, tạo ổn định về mặt chính trị – xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhìn nhận, những kết quả về KT-XH trên chỉ mới là kết quả bước đầu. Nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn, do đó, cần có những giải pháp kiên quyết hơn nữa.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, song song với những giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn, Chính phủ cần chú trọng đến các giải pháp chiến lược mang tính dài hạn như công tác quy hoạch, kế hoạch, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch hóa hệ thống tài chính, tránh đầu cơ, tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, cần tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh quản lý về giá cả, thị trường.

Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bên cạnh những “điểm sáng” về thu ngân sách, tăng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp…, nền kinh tế nước ta cũng nổi lên những vấn đề lớn cần sớm được khắc phục. Đó là lạm phát tăng cao, lãi suất huy động và cho vay đều tăng, nhập siêu vẫn cao…

Vì thế, với 6 tháng cuối năm cần tính toán các tình huống khác nhau của nền kinh tế để có giải pháp vững chắc hơn. Bên cạnh đó, tăng tính đối thoại, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội.

Lê Sơn


(Theo website Trương Tấn Sang)

Ông Trương Tấn Sang đánh giá sự phát triển của Thái Bình trong 5 năm qua.


Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đánh giá, Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã có tác động lớn tới sự phát triển mạnh của Thái Bình trong 5 năm qua.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang khẳng định điều này khi dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngày 29/6 nhằm kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng vùng sông Hồng”.

truong-tan-sang-TTBBT

Ảnh do Báo Thái Bình cung cấp

Đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao việc Thái Bình là một trong những địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ các nội dung quan trọng của Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị bằng việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; cụ thể hóa các chủ trương, đường lối nêu trong Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách và nhiệm vụ của địa phương.

5 năm qua, Thái Bình đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,2%/năm, cơ cấu công nghiệp, xây dựng chiếm 33%; cơ cấu nông nghiệp giảm từ 41,8% xuống 33%, cơ cấu dịch vụ 34%; GDP bình quân đầu người đạt 16,1 triệu đồng/năm.

Đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, sự phát triển mạnh của Thái Bình với công nghiệp từ chỗ kém phát triển vươn lên mạnh mẽ, an ninh lương thực được bảo đảm, diện mạo nông thôn thay đổi là do tác động của Nghị quyết 54.

Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ, tiềm năng, lợi thế của Thái Bình là rất lớn nhưng đến nay chưa được khai thác, phát huy tối đa; nền kinh tế có bước tăng trưởng nhưng quy mô sản xuất nhỏ, tính cạnh tranh kém nên chưa tạo sức bật mới.

Gợi mở một số vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của Thái Bình trong những năm tới, đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý, tỉnh cần tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển các làng nghề truyền thống; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và thị trường lao động.

Mặt khác, tỉnh cần giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, lựa chọn đầu tư, đưa công nghệ cao vào sản xuất; nghiên cứu liên kết vùng dựa trên tiềm năng thế mạnh của từng địa phương; giữ gìn không gian xanh; phát triển kinh tế biển, cảng biển để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, phục vụ xuất nhập khẩu …

PV


(Theo website Trương Tấn Sang)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet


Chiều 27/6, tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng tiếp tục đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

nguyen-tan-dung-vn-thuysy

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Thụy Sỹ đang phát triển tích cực, tạo điều kiện cho hai nước phát triển nhiều lĩnh vực.

Đánh giá cao nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam của Đại sứ Jean Hubert Lebet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những đóng góp của Đại sứ đã góp phần tích cực đưa quan hệ chính trị, ngoại giao, giáo dục – đào tạo Việt Nam – Thụy Sỹ ngày càng gắn bó, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Hiện, Thụy Sỹ là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Âu.

Thủ tướng mong muốn, với những hiểu biết và tình cảm đối với đất nước và con người Việt Nam, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh Đại sứ mới của Thụy Sỹ và khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại sứ mới có nhiệm kỳ công tác thành công tốt đẹp.

Đại sứ Jean Hubert Lebet cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với cá nhân Đại sứ trong thời gian công tác tại Việt Nam.

Đại sứ Jean Hubert Lebet khẳng định, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và cho biết, trong năm nay, hai bên sẽ phối hợp tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Thu Cúc


(Theo website Trương Tấn Sang)

Ông Trương Tấn Sang: Phát huy tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới


Phát biểu tại Tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, cần phải dồn nhiều sức, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng thành công nông thôn mới.

 

truong tan sang

Toàn Cảnh Cuộc Họp

Ngày 26/6 tại Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và  Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Liên hoan văn nghệ và thi đấu thể thao quần chúng 11 xã điểm.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới dự Tọa đàm.

Về tình hình thực hiện tiêu chí văn hóa nông thôn mới tại 11 xã  điểm, tính đến tháng 5/2011, 81/130 thôn được công nhận thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 62%. 8/11 xã được phê duyệt dự án và đang thi công xây dựng nhà văn hóa xã, 3 xã đã hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa.

Các đại biểu đại diện cho các xã điểm đều cùng thống nhất quan điểm, cùng với việc thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới tập trung vào 4 nội dung: nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa thôn, làng, ấp, bản văn hóa; hoàn thiện trung tâm văn hóa – thể thao xã, nhà văn hóa – khu thể thao thôn; phát triển hoạt động văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới; và nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật ở nông thôn.

Nhấn mạnh vai trò bảo tồn và phát huy văn hóa ở nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới, cần đặt giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những tiêu chí ưu tiên hàng đầu.

 

truong tan sang

Trương Tấn Sang

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, mục đích xây dựng nông thôn mới hết sức toàn diện với nhiều nội dung, các xã thí điểm đã nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp, cơ bản đạt được nhiều tiêu chí đặt ra. Đời sống văn hóa ở 11 xã điểm có sự chuyển động khá lớn so với hơn 2 năm trước khi thực hiện

Tuy nhiên, đồng chí lưu ý với các địa phương, để nhân rộng mô hình thí điểm ra toàn tỉnh và toàn quốc thì đòi hỏi phải dồn sức, phát huy tối đa tất cả các nguồn lực, cần có sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân. Bởi qui mô càng mở rộng thì các địa phương sẽ càng gặp khó khăn khi tính chất và nội dung chương trình sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Đồng chí cho biết, sau khi kết thúc thực hiện thí điểm 11 xã nông thôn mới, Trung ương sẽ rà soát lại 19 tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn với sự phát triển của đất nước và của từng địa phương.

Từ đây đến cuối năm là giai đoạn nước rút để các xã thí điểm hoàn thiện những tiêu chí đạt được và kiến nghị  những vấn đề xoay quanh Chương trình để nhân rộng trên toàn quốc, để nông thôn có một diện mạo mới, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Theo PV.


(Theo website Trương Tấn Sang)

Ông Trương Tấn Sang cắt băng bàn giao bộ sách Lịch sử quan hệ Việt – Lao


Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo hai Ðảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, chiều 6-6, tại Thủ đô Viêng Chăn, Ban Tuyên giáo T.Ư Ðảng CS Việt Nam và Ban Chỉ đạo Biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào phối hợp Ban Chỉ đạo Công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa Trung ương, Ban Tuyên huấn T.Ư Ðảng NDCM Lào và Ban Chỉ đạo Biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Công trình biên soạn “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930-2007)”.

Ðồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Ðảng CS Việt Nam và đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Ðảng NDCM Lào, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào dự và chỉ đạo hội nghị.

Truong Tan Sang

Lễ cắt băng bàn giao bộ sách "Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007)

Ðồng chí Xa-mản Vi-nha-kệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa T.Ư Ðảng NDCM Lào, Trưởng Ban Chỉ đạo Biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam và đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Ðảng CS Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đông đảo đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành và các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử của hai nước; các cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng và cựu chiến binh Lào; đại biểu các tầng lớp nhân dân và Việt kiều Thủ đô Viêng Chăn.

Hội nghị tập trung đánh giá công tác triển khai và kết quả thực hiện Dự án Công trình. Sau hơn bốn năm thực hiện, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo Dự án hai nước và sự nỗ lực của các thành viên tham gia Dự án, các sản phẩm của Công trình cơ bản đã được hoàn thành, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu đề ra. Ðây là công trình đồ sộ, đã tổng kết, đánh giá những thành tựu, đặc điểm của mối quan hệ đặc biệt giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Công trình có giá trị khoa học và ý nghĩa lớn về chính trị, tư tưởng, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước Việt, Lào về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng giữa hai nước.

Thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư T.Ư Ðảng CS Việt Nam, phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định: Sau gần năm năm tiến hành, vượt qua rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư của hai Ðảng, sự nỗ lực cố gắng rất cao của hai ban chỉ đạo, các ban biên soạn và các bộ phận, cá nhân liên quan, dự án nghiên cứu, biên soạn ‘Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam’ đã hoàn thành, đáp ứng yêu cầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư hai Ðảng đề ra. Ðây là công trình có giá trị khoa học, giá trị tư tưởng cao, có nội dung phong phú, đầy đủ, hệ thống, khách quan và toàn diện nhất về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam từ năm 1930 đến nay… Kế tục và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang 80 năm qua, Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam nguyện làm hết sức mình để bảo vệ, củng cố, vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì độc lập, tự do, và sự phát triển phồn vinh của nhân dân mỗi nước.

Thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Lào, đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít phát biểu ý kiến tại Hội nghị nêu rõ: Ðảng, Chính phủ và nhân dân Lào thấm nhuần sâu sắc mối quan hệ lâu đời và ngày càng phát triển bền vững giữa hai nước Lào, Việt. Từ khi Ðảng CS Ðông Dương được hình thành, quan hệ truyền thống đó đã trở thành quan hệ đoàn kết đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, rồi được các thế hệ lãnh đạo đầu tiên và tiếp theo của hai nước không ngừng vun đắp. Ðó là tài sản vô giá mà Ðảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Lào, Việt sẽ duy trì mãi mãi. Ðồng chí nhấn mạnh: Chúng ta đã hoàn thành công trình biên soạn ‘Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam’. Nhưng nhiệm vụ tiếp theo là chúng ta phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung các sản phẩm đó để giáo dục truyền thống đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam cho các tầng lớp nhân dân hai nước; cần cụ thể hóa nội dung các sản phẩm thành các dự án cụ thể phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục.

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa đánh giá cao kết quả Công trình. Trong đó, nổi bật các điểm: Công trình bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương hai Ðảng, thể hiện rõ trách nhiệm lớn lao trước lịch sử, trước Ðảng và nhân dân hai nước; Công trình tái hiện chân thực và sinh động lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, được thực hiện với khối lượng công việc to lớn, liên quan nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cơ quan của hai nước và đã đạt được kết quả tốt đẹp; Công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị, khoa học và giáo dục sâu sắc, là những thông điệp gửi đến các thế hệ mai sau về một quy luật đoàn kết quốc tế Việt Nam – Lào, đoàn kết ba nước Ðông Dương.

Tại Hội nghị, đã diễn ra lễ trao tặng huân, huy chương của hai nước Việt, Lào cho các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án biên soạn ‘Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007)’, góp phần xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt -  Lào. Ðồng chí Tô Huy Rứa được Nhà nước Lào trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất và đồng chí Xa-mản Vi-nha-kệt được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

PV


(Theo website Trương Tấn Sang)

Đồng chí Trương Tấn Sang tham dự hội nghị tổng kết quan hệ Việt – Lào


Ngày 6/6, Hội nghị tổng kết Dự án biên soạn “Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam- Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007)” đã được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhằm đánh giá công tác triển khai và kết quả thực hiện Dự án, tổ chức khen thưởng, tiến hành bàn giao các sản phẩm cho phía Lào; họp báo công bố các sản phẩm và hướng dẫn công tác tuyên truyền các sản phẩm của công trình.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, có các đồng chí: Bunnhăng Vôlachit, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Xamản Vinhakhệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Tư tưởng, Lý luận và Văn hóa Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án biên soạn lịch sử Lào – Việt Nam; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo biên soạn lịch sử Việt Nam – Lào; Phanđuôngchit Vôngsả, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tham dự Hội nghị, có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương của Việt Nam và Lào; các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử đến từ hai nước; đại diện các tầng lớp  nhân dân Thủ đô Viêng Chăn; đại diện cộng đồng Việt kiều tại Lào; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí của Lào, Việt Nam và một số nước khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Xamản Vinhakhệt nêu rõ: Hội nghị Tổng kết công trình biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào được tổ chức trong không khí hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào, Việt Nam long trọng kỷ niệm 100 năm ngày ra đi tìm đường cứu nước và 121 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay; người sáng lập tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt  Việt Nam – Lào. Lào – Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh, trong bốn năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương của hai Đảng, hai Ban chỉ đạo biên soạn đã vượt qua nhiều khó khăn, tập hợp và tổ chức đông đảo các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, nhiều cơ quan, ban, ngành… tham gia biên soạn các sản phẩm của công trình. Đến nay, công trình đã xuất bản được các sản phẩm chủ yếu, tổng hợp một cách khách quan và toàn diện nhất, xứng đáng là một biểu tượng có giá trị của tình hữu nghị đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào.

Truong Tan Sang

Đoàn Chủ tịch Hội nghị.

Đại diện của hai Ban chỉ đạo đã trình bày báo cáo quá trình thực hiện nhiệm vụ và các kết quả đạt được. Công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007)” với 6 sản phẩm gồm:

Sản phẩm chính Bộ lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam được thu thập xử lý qua 645 đầu mục tài liệu tiếng Việt, tiếng Lào và các tiếng nước ngoài khác, trong đó phần lớn là các tài liệu, tư liệu gốc, có độ tin cậy cao, được thẩm định qua 30 cuộc hội thảo và nhiều lần xin ý kiến các chuyên gia, các nhân chứng lịch sử…

Bộ văn kiện đảng, nhà nước gồm 5 tập với 558 văn bản quan trọng, gồm những bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng Đông Dương; tài liệu của Trung ương hai Đảng; một số bài viết và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước; tài liệu của hai Nhà nước; tài liệu của các bộ, ban, ngành của hai nước có liên quan đến quan hệ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.

Bộ hồi ký, gồm 3 tập, tập hợp trên hai trăm năm mươi bài viết của các Nhà lãnh đạo, các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào qua các thời kỳ, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận cùng các tổ chức, đoàn thể nhân dân, các ngành, các địa phương của Việt Nam và Lào.

Bộ biên niên sự kiện, gồm 2 tập với 1.954 sự kiện chọn lọc về tình đoàn kết chiến đấu, thuỷ chung son sắt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong những năm tháng đấu tranh gian khổ, giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Bộ sách ảnh tập hợp hơn 300 bức ảnh được chọn lọc, tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật, trong đó có nhiều bức ảnh tư liệu quý lần đầu tiên được công bố, đã phản ánh một cách khách quan, có hệ thống và tiêu biểu về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào qua các thời kỳ lịch sử. Cuốn sách được chú thích bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt Nam, tiếng Lào và tiếng Anh.

Bộ phim tài liệu “Bản anh hùng ca quan hệ Việt – Lào” gồm 10 tập phim nhựa (độ dài 100 phút) với nhiều thước phim tư liệu quý giá lần đầu tiên được sưu tầm và ấn hành. phản ánh khá toàn diện, phong phú và sinh động những hoạt động trong tiến trình phát triển quan hệ đặc biệt của hai nước Việt Nam – Lào, từ liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, nhằm giải phóng dân tộc của mỗi nước đến quan hệ hợp tác toàn diện nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đồng chí Trương Tấn Sang đã phát biểu, trân trọng ghi nhận, cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực của hai Ban Chỉ đạo, tinh thần làm việc say mê, khoa học, có trách nhiệm cao của các Ban Biên soạn và các bộ phận có liên quan; sự giúp đỡ to lớn, tận tình, tâm huyết của các cựu chuyên gia, các nhân chứng lịch sử, của các ngành, các địa phương… ở hai nước. Đồng chí khẳng định: đây là công trình có giá trị khoa học giá trị tư tưởng cao, có nội dung phong phú, đầy đủ, hệ thống, khách quan và toàn diện nhất về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam từ năm 1930 đến nay. Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt việc biên dịch, xuất bản các sản phẩm bằng 3 thứ tiếng Việt Nam, Lào, Anh. Đồng thời, để phát huy tác dụng giáo dục chính trị tư tưởng của công trình, hai bên cần phối hợp tổ chức quảng bá, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước và bạn bè quốc tế về các sản phẩm này; về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, thuỷ chung, trong sáng của hai nước.

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, đồng chí Bunnhăng Vôlachit, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào phát biểu nhấn mạnh tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam được vun trồng, phát triển qua hoạt động thực tiễn suốt gần một thế kỷ qua; được thử thách qua những năm tháng đạn lửa của liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, qua sự hợp tác toàn diện để bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó là yếu tố quyết định thắng lợi, là quy luật tồn tại và phát triển của sự nghiệp cách mạng ở hai nước. Chính vì vậy, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong những năm qua đã dành sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát đối với công trình biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam từ năm 1930 đến năm 2007. Đồng chí hoan nghênh kết quả lao động không mệt mỏi của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân của hai nước; đồng thời yêu cầu kết quả của công trình cần được đưa vào chương trình giáo dục, cần được tuyên truyền một cách thiết thực đến nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo biên soạn lịch sử Việt Nam – Lào đã tổng kết, nêu bật ba thành công lớn của công trình: Một là, đã đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương hai Đảng, thể hiện rõ trách nhiệm cao cả trước lịch sử, trước Đảng và nhân dân hai nước. Hai là, đã tái hiện chân thực và sinh động lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, được thực hiện với một khối lượng công việc rất to lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cơ quan của hai nước và đã đạt được kết quả vượt hơn sự mong muốn. Ba là, công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị, khoa học và giáo dục sâu sắc, là những thông điệp gửi đến các thế hệ mai sau về quy luật đoàn kết quốc tế Việt Nam – Lào, đoàn kết ba nước Đông Dương.

Đồng chí cũng nêu rõ: để Dự án tiếp tục được hoàn thiện, yêu cầu Ban Chỉ đạo, các ban biên soạn và Văn phòng Dự án của hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật (Việt Nam) tổ chức xuất bản các sản phẩm còn lại theo kế hoạch, đảm bảo đúng chất lượng cả về nội dung và hình thức, hạn chế tối đa các sai sót trong quá trình biên tập, xuất bản. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chủ trì, xây dựng kế hoạch hướng dẫn và chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền các sản phẩm của công trình trong các tầng lớp nhân dân, góp phần vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Hội nghị đã công bố quyết định khen thưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện công trình.

Ngày 7/6, Hội nghị tiếp tục làm việc với nội dung chính là tổ chức họp báo về quá trình triển khai, kết quả thực hiện, giá trị, ý nghĩa  của công trình và những công việc sắp tới trong khuôn khổ Dự án biên soạn “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007)”

PV


(Theo website Trương Tấn Sang)

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chúc mừng lãnh đạo HĐND, UBND TPHCM được bầu


Ngày 22-6, HĐND TPHCM khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã tiến hành kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt HĐND và UBND TP, bầu các ban chuyên môn của HĐND TP, bầu Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân TP và Hội thẩm nhân dân Tòa án Nhân dân 24 quận, huyện.

HĐND TP đã bầu đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm (SN 1958), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, đại biểu Quốc hội khóa XIII, làm Chủ tịch HĐND TP khóa VIII.

Đồng chí Trương Thị Ánh (SN 1959), Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP khóa VII và đồng chí Nguyễn Thanh Chín, Ủy viên Thường trực HĐND TP khóa VII tiếp tục được bầu lại các chức vụ trên.

 

Truong Tan Sang

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chúc mừng các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND TPHCM được bầu tại Kỳ họp thứ nhất - HĐND TPHCM khóa VIII.

HĐND TPHCM VIII có 95 đại biểu, với độ tuổi trung bình 47,8 tuổi, trong đó có 21 đại biểu nữ, 10 đại biểu là người ngoài Đảng, 5 đại biểu đại diện các tôn giáo, 2 đại biểu là người tự ứng cử…

HĐND TP cũng đã bầu lãnh đạo UBND TP gồm Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch và 6 Ủy viên UBND TP. Đồng chí Lê Hoàng Quân (SN 1953), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2004-2011 được bầu lại làm Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016 (tỷ lệ phiếu bầu xấp xỉ 94%).

Các Phó Chủ tịch UBND TP, gồm: ông Hứa Ngọc Thuận (93,68%), bà Nguyễn Thị Hồng (93,68%), ông Lê Minh Trí (93,68%), ông Nguyễn Hữu Tín – Bí thư quận ủy quận 5 (91,58%) và ông Lê Mạnh Hà – Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông (90,53%). Trong số đó, đồng chí Hứa Ngọc Thuận, đồng chí Lê Minh Trí và đồng chí Nguyễn Thị Hồng được bầu lại làm Phó Chủ tịch.

Các Ủy viên UBND TPHCM gồm: Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Luận; Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Luận, Giám đốc Công an TP Nguyễn Chí Thành; ông Trương Văn Hai, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Văn Rê; Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan.

Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém phải tập trung khắc phục. Đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu trong tiến trình hội nhập thế giới; chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của TP. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng chưa đồng bộ, còn yếu kém, bất cập. Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cải cách hành chính chuyển biến chậm; tinh thần, thái độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội.

Theo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nhiệm vụ HĐND TP khóa VIII rất nặng nề, đó là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng phù hợp với quy mô và đặc điểm của một đô thị loại đặc biệt; nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho từng đại biểu thực hiện nhiệm vụ.

“Phương thức hoạt động tiếp tục đổi mới theo hướng sâu sát, thiết thực, sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân bằng cả trách nhiệm, tâm huyết, tấm lòng; cải tiến công tác tiếp xúc cử tri theo hướng công khai, dân chủ và chuyên sâu; giám sát UBND TP kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về những vấn đề dân sinh bức xúc đang được xã hội, cử tri quan tâm” – Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND thành phố còn bầu các chức vụ trưởng, phó và các thành viên các ban Kinh tế – ngân sách, Văn hóa – xã hội và Pháp chế của HĐND TP; bầu Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân TP và Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân các quận, huyện.

PV


(Theo website Trương Tấn Sang)

Ông Trương Tấn Sang: Ngành Kiểm sát cần nỗ lực cải cách tư pháp


Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, ngành Kiểm sát cần nỗ lực tham gia vào quá trình cải cách tư pháp, đảm bảo tính khách quan, tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng, điều tra, xét xử, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

Ngày 22/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức hội nghị toàn ngành năm 2011. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tới dự.

 

Truong Tan Sang

Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh việc biểu dương những thành tích đạt được thời gian qua, đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị ngành Kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động, tổ chức cán bộ, hoàn thiện thể chế pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Ngành cần tiếp tục triển khai tập trung các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt các văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI.

Ngành cần nỗ lực tham gia vào quá trình cải cách tư pháp, đảm bảo tính khách quan, tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng, điều tra, xét xử, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

Theo đồng chí Trương Tấn Sang, quá trình đổi mới, cải cách tư pháp cần tránh sự nóng vội, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Ngành Kiểm sát cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ về 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Đây là một vấn đề quan trọng và cấp thiết để chủ động xây dựng một nền tư pháp đổi mới, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo ngành cũng cần tạo điều kiện để cán bộ, kiểm sát viên được tham gia Hiệp hội công tố thế giới, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Nguyễn Đức


(Theo website Trương Tấn Sang)

Ông Trương Tấn Sang dự Lễ tôn vinh tác giả, tác phẩm xuất sắc Giải báo chí năm 2010


Đúng ngày kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã tổ chức trọng thể Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ V cho 128 tác phẩm đoạt giải ở 8 thể loại giải.

Một trong 2 tác phẩm đoạt giải A là của tác giả Nguyễn Đăng Lâm – Phóng viên TTXVN tại Quảng Ngãi với chủ đề “Lý Sơn – Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.” Đây là tác phẩm viết về đề tài biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Truong Tan Sang, Thường trực Ban Bí thư Truong Tan Sang

Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao hai giải A cho tác giả Nguyễn Đăng Lâm - TTXVN (ngoài cùng bên trái) và nhóm tác giả Báo Lao Động.

Bằng những tư liệu phong phú, được cung cấp từ những nhà nghiên cứu lịch sử, từ những người dân ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi – những con người bình thường nhưng giàu lòng yêu nước, coi trọng chủ quyền biển đảo quê hương; rất có ý thức về việc giữ gìn báu vật của cha ông từ bao đời để lại. Từ hàng trăm năm qua, các tộc họ trên đảo luôn gìn giữ, bảo vệ và lưu truyền từ đời này sang đời khác những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, được coi là Bảo tàng sống về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài giải A về thể loại Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép của Nguyễn Đăng Lâm, Liên chi hội nhà báo TTXVN còn có 3 giải C cho các tác giả và nhóm tác giả đoạt Giải xã luận, bình luận, chuyên luận; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí. TTXVN cũng đoạt 1 giải B, 1 giải C và 3 giải khuyến khích ở thể loại Giải Ảnh báo chí.

Giải Báo chí Quốc gia năm 2010 có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước đến nay, 1.321 tác phẩm tham dự 8 loại giải (tăng 30% so với năm 2009). So với 4 mùa giải trước, đây cũng là năm có số lượng đơn vị báo chí tham dự Giải nhiều nhất (125 đơn vị); số lượng tác phẩm ảnh báo chí cao nhất, có 27 cá nhân gửi tác phẩm dự thi không qua tuyển chọn của cơ sở (theo cơ chế mới) và số tác phẩm của cộng tác viên dự thi nhiều nhất (244 tác phẩm).

Theo đánh giá của Hội đồng Giải báo chí Quốc gia: mặt bằng chất lượng các tác phẩm dự Giải năm 2010 đồng đều hơn các năm trước. Tác phẩm có chất lượng cao vẫn tập trung ở khối báo chí Trung ương và các thành phố lớn. Đồng thời, xuất hiện nhiều đơn vị địa phương dự Giải với nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, có tính phát hiện, có hiệu quả xã hội như các Đài Phát thanh Hà Tĩnh, Ninh Bình, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Vính Long; Đài Truyền hình Nghệ An, Bến Tre, Lâm Đồng, Hà Nội; các tác phẩm báo in của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ở một số loại giải, chất lượng tác phẩm vượt các năm trước.

Giải Tin, bài phản ánh, bút ký (báo in) có nội dung phong phú, nhiều bài nhiều kỳ. Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận (báo in) có nội dung sát thực tiễn, bớt lý luận hàn lâm, nhiều bài đạt chất lượng cao. Giải Phóng sự, phóng sự điều tra (báo in, truyền hình) đều tăng cả về số lượng và chất lượng… Một số loại giải chất lượng ở mức trung bình khá, chưa vượt các kỳ Giải trước. Tác phẩm báo điện tử tham dự nhiều nhưng chưa rõ về thể loại và chất lượng chuyên môn chưa cao…

Phát biểu tại Lễ tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc Giải báo chí Quốc gia năm 2010, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhấn mạnh báo chí cách mạng Việt Nam luôn kịp thời trong việc phát hiện, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động sản xuất, trong học tập…; phê phán những sai trái, những việc làm không có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch; tuyên truyền đối ngoại để bạn bè thế giới hiểu về đất nước và con người Việt Nam… Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu đội ngũ những người làm báo Việt Nam càng phải tích cực học tập nghiệp vụ, trau dồi đạo đức cách mạng, gần gũi với nhân dân để có ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

Trong diễn văn khai mạc, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia nêu rõ những tác phẩm đoạt giải, đặc biệt là các tác phẩm đoạt giải A thực sự là những tác phẩm chất lượng cao cả về nội dung và phương pháp thể hiện. Những tác giả, tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia năm 2010 thực sự là những tấm gương tiêu biểu cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam đang ngày đêm đem hết sức lực, trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước; góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”

Vòng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia 2010 có 161 tác phẩm tham dự ở 8 loại giải. Đây là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện, phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng của đất nước; có định hướng dư luận xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; có chất lượng tốt về nội dung và hình thức thể hiện.

PV


(Theo website Trương Tấn Sang)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm tỉnh Savannakhet của Lào


Tiếp tục chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chiều 21/6 đã rời thủ đô Vientiane đi thăm tỉnh Savannakhet.

Nguyen Phu Trong, Savannakhet

Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại sân bay Savannakhet.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisolit tháp tùng Đoàn.

Đông đảo các lãnh đạo tỉnh Savannakhet; cán bộ, nhân viên Tổng lãnh sự quán và bà con Việt kiều tại đây cùng hàng nghìn người dân địa phương đã nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ngay tại sân bay và dọc hai bên đường về khách sạn nơi đoàn ở.

Tiếp đoàn lãnh đạo tỉnh Savannakhet do Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Savannakhet Souphanh Keomyxay dẫn đầu đến chào, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng được đến thăm một tỉnh có vị trí địa chính trị rất quan trọng, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng Lào, quê hương của cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane và nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước Lào.

Cùng với cả nước, Savannakhet đã có nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, khai thác tiềm năng vốn có để vươn lên đạt nhiều thành tích trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kết quả hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa Savannakhet và nhiều địa phương của Việt Nam như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…

Nhấn mạnh truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào là tài sản vô giá của hai dân tộc, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn Savannakhet tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của Việt Nam theo hướng ngày càng thiết thực và hiệu quả, nhất là các địa phương khu vực biên giới, nhằm giữ gìn đường biên giới chung hòa bình, ổn định giữa hai nước.

Ông Souphanh Keomyxay trân trọng thông báo với Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn một số nét về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; về quan hệ hợp tác giữa Savannakhet với Việt Nam.

Là tỉnh trung tâm của hành lang kinh tế Đông-Tây, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Savannakhet đã đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế-xã hội, GDP tăng trưởng trung bình 10%/năm.

Cùng với sản xuất lương thực, nhiều loại cây công nghiệp như mía, cao su, bạch đàn… nhiều ngành công nghiệp đã được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục.

Bên cạnh đó, Đảng, chính quyền tỉnh luôn quan tâm bảo đảm an ninh quốc phòng, tăng cường đoàn kết toàn dân, chăm lo công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh…

Trong giai đoạn sắp tới, cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, Savannakhet mong muốn tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác với các địa phương của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Savannakhet, với 24 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 140 triệu USD, trong đó nhiều dự án có hiệu quả cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của địa phương.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng công bố tặng công trình Nhà Văn hóa, như một món quà thể hiện tình cảm anh em thắm thiết của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân tỉnh Savannakhet.

Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Souphanh Keomyxay trân trọng cảm ơn món quà có ý nghĩa thiết thực và cho biết Công trình Nhà văn hóa sẽ mang tên cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Ông Souphanh Keomyxay cũng nhấn mạnh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Savannakhet sẽ hết sức nỗ lực để góp phần không ngừng vun đắp, phát triển truyền thống quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.

Tại Savannakhet, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng các thành viên trong Đoàn đã đi thăm Trung tâm đào tạo tiếng Việt của tỉnh, tham dự Lễ buộc chỉ cổ tay và chúc phúc theo truyền thống của nhân dân Lào.

PV


(Theo website Trương Tấn Sang)