Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Học viện Tư pháp


Chiều 3/10, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Trung ương đã đến thăm và làm việc tại Học viện Tư pháp.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Hà Hùng Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước cùng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Học viện Tư pháp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan khuôn viên của Học viện.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan khuôn viên của Học viện.

Theo báo cáo, Học viện Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (thành lập năm 1998) với chức năng đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học tư pháp. Theo đó, Học viện là cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Tư pháp, có nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Công chứng viên, Luật sư và các cán bộ có chức danh tư pháp khác thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp.

Hiện Học viện có 146 cán bộ, trong đó có 60 giảng viên, trong đó có 18 người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Luật sư. Bên cạnh đội ngũ giáo viên cơ hữu, Học viện còn huy động đội ngũ giảng viên kiêm chức là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Đấu giá viên đang hành nghề; các giảng viên, chuyên gia pháp luật giỏi của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và quản lý trong và ngoài ngành tư pháp.

Trong những năm qua, Học viện đã đào tạo tổng số 25 nghìn học viên là Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp… Năm 2011, Học viện đang tiếp tục đào tạo trên 2.500 học viên. Bên cạnh hoạt động đào tạo, Học viện còn tiến hành các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhiều ngàn lượt cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ pháp chế của ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân và doanh nghiệp nhà nước.

Lãnh đạo Học viện báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình hoạt động của Học viện tại buổi làm việc

Lãnh đạo Học viện báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình hoạt động của Học viện tại buổi làm việc

Các chương trình đào tạo Học viện đang áp dụng tập trung vào việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp theo từng chức danh, phù hợp với những yêu cầu mang tính đặc thù của hoạt động đào tạo nghề. Cùng với hệ thống giáo trình, tài liệu thường xuyên được bổ sung hoàn thiện, các khoá đào tạo được áp dụng nhất quán phương pháp đào tạo tích cực, lấy người học làm trung tâm, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của học viên.

Tại buổi làm việc, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo Học viện đã cùng nhau trao đổi về những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong mô hình và các thể chế liên quan đến công tác đào tạo các chức danh tư pháp; về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành hữu quan trong công tác đào tạo… và những định hướng nhằm mục tiêu phát triển Học viện Tư pháp trở thành một Trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hoan nghênh những nỗ lực và kết quả mà Học viện Tư pháp đã đạt được trong những năm qua. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế, các cán bộ, giảng viên của Học viện đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng, từng bước mở rộng quy mô đào tạo; chú trọng kiện toàn tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu, không ngừng hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy học tập, tích cực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở…đóng góp quan trọng vào việc cung cấp đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp được đào tạo chính quy, bài bản và chuyên sâu cho các cơ quan tư pháp; góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Chủ tịch nước chỉ rõ, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác đào tạo của Học viện trong những năm qua cũng còn những hạn chế cả về số lượng và chất lượng trước những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn phát triển của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu, trong thời gian tới, Học viện Tư pháp cần tích cực thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đội ngũ giảng viên, đổi mới mô hình đào tạo, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy học tập; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy… nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trọng Hậu (Theo DCSVN)


(Theo website Trương Tấn Sang)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét