Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ lãnh đạo các nền kinh tế tại APEC


Ngày 13/11, theo giờ Hawaii, Lễ khai mạc chính thức Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19 đã được tổ chức trọng thể tại khách sạn Mariod Ihilani, Honolulu (bang Hawaii, Hoa Kỳ). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể như trợ giúp tài chính, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính

truong tan sang khai mac1 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ lãnh đạo các nền kinh tế tại APEC

Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC chụp ảnh kỷ niệm chung

Với chủ đề “Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại”, Hội nghị đã tiến hành ba phiên họp về “Tăng trưởng và việc làm”, “Sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng” và “Cải cách quản lý và cạnh tranh”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị cùng Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên dưới sự chủ tọa của Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama.

Tại các phiên họp, các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình khó khăn, bất ổn của kinh tế khu vực và toàn cầu, nhất là tình trạng nợ công và thất nghiệp tại nhiều nền kinh tế phát triển và lạm phát tại một số các nền kinh tế đang phát triển.

Nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và phục hồi kinh tế, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí đẩy mạnh chiến lược mới của APEC về cải cách cơ cấu kinh tế, hợp tác chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, tạo thêm công ăn việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh liên kết thương mại và chuỗi cung ứng khu vực, tăng cường sự tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp.

Các nhà Lãnh đạo APEC cũng đặc biệt quan tâm vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng liên quan đến mô hình tăng trưởng xanh – một trong ba ưu tiên của APEC 2011. Trước tình hình nhu cầu tiêu thụ năng lượng gia tăng nhanh chóng tại khu vực, các nhà Lãnh đạo chia sẻ đánh giá chung cần đẩy mạnh hợp tác trong việc sử dụng hiệu quả và bảo đảm an ninh năng lượng, giảm cường độ tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là các nguồn năng lượng truyền thống, triển khai các chiến lược giảm khí thải carbon…

Phát biểu tại các phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao việc APEC năm nay xác định “Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại” là định hướng chung để phối hợp chính sách và hành động.

Chủ tịch nước đề nghị APEC cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, hành động mau chóng và quyết liệt trên các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu để tránh nguy cơ một cuộc suy thoái mới, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Diễn đàn và liên kết kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương trong cấu trúc khu vực và quốc tế đang định hình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, APEC cần nỗ lực toàn diện hơn để đóng góp tương xứng vào tiến trình gia tăng liên kết kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, cải cách hệ thống tài chính quốc tế và sớm kết thúc vòng đàm phán Doha.

Đối với từng nền kinh tế và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, Chủ tịch nước nhấn mạnh APEC cần ưu tiên các chương trình, dự án chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và tăng cường kết nối nội khối, đặc biệt là các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN cũng như hợp tác tiểu vùng Mekong.

Liên quan đến nội dung hợp tác về “sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng”, Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh, bảo đảm đủ năng lượng phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là hai nhiệm vụ cấp bách, không thể tách rời. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch. Chủ tịch cũng đề nghị APEC tăng cường đóng góp vào các nỗ lực quốc tế trong lĩnh vực này, nhất là “Sáng kiến nền kinh tế xanh” của Liên hợp quốc và “Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lương”.

Thảo luận về “Cải cách quản lý và cạnh tranh”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh để bảo đảm hợp tác hiệu quả hơn và giúp các thành viên nâng cao sức cạnh tranh, APEC cần lồng ghép nội dung hợp tác này vào việc thực hiện các Mục tiêu Bogo và Chiến lược tăng trưởng của APEC. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi cải cách hành chính và quản lý là một biện pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và hiệu quả, đồng thời đề nghị APEC cần bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của các thành viên.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà Lãnh đạo APEC đã có phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) về 04 nội dung chính, gồm: hội nhập kinh tế khu vực, phát triển bền vững, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và tạo thêm việc làm. Đây là một hoạt động thường niên được các Nhà Lãnh đạo APEC và cộng đồng doanh nghiệp hết sức coi trọng.

Phát biểu với ABAC, Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với sự phát triển của các nền kinh tế thành viên APEC.

Riêng với Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp khoảng 60% GDP và tạo ra 90% việc làm mới. Chủ tịch nước đề nghị ABAC và APEC tiếp tục ưu tiên lĩnh vực này, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh cá thể có thể hoạt động dễ dàng, liên kết và tham gia các chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. Theo đó, Chủ tịch nước đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể như trợ giúp tài chính, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công.

Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 19 đã kết thúc với việc thông qua “Tuyên bố Honolulu – Hướng tới một nền kinh tế khu vực gắn kết”, trong đó có những cam kết cụ thể về nhiều vấn đề quan trọng đối với khu vực, nhấn mạnh tính đa dạng và sự cần thiết phải tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nền kinh tế.

Các văn kiện kèm theo, gồm “Thúc đẩy chính sách sáng tạo hiệu quả, không phân biệt đối xử và theo hướng thị trường”, “Tăng cường tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, “Thương mại và đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường”, và “Đẩy mạnh thực hiện các điển hình tốt về quản lý” cũng đã được Hội nghị thông qua.

Tuần lễ APEC 2011 đã thành công tốt đẹp, góp phần đẩy mạnh xu hướng hợp tác, liên kết kinh tế cùng có lợi giữa các thành viên và nâng cao vị thế của APEC.

Tối 13/11 (giờ Hawaii), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta rời Honululu, Hawaii, Hoa Kỳ kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2011./.

Hoàng Dũng


(Theo website Trương Tấn Sang)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét