Quốc hội thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2015


Hôm nay, 8/11 tại hội trường, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội từ 2011- 2015 với 20 chỉ tiêu chủ yếu, như GDP tăng khoảng 6,5- 7%…

Nghị quyết được 446 đại biểu bỏ phiếu tán thành (đạt 89,2%).

quoc hoi 133 Quốc hội thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội 2011   2015

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII

Mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới là “phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Kế hoạch đặt ra các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu gồm GDP tăng khoảng 6,5- 7%; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 33,5- 35% GDP, giảm dần nhập siêu từ năm 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015; bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (có tính cả Trái phiếu Chính phủ)…

Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ đối mới công nghiệp đạt 13%/năm; năng suất lao động xã hội đến năm 2015 tăng 29- 32% so với năm 2010; nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5- 7% vào năm 2015.

Về các chỉ tiêu xã hội, từ 2011- 2015 sẽ tạo việc làm cho 8 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc đạt 55% vào năm 2015; thu nhập thực tế của dân cư vào năm 2015 gấp 2- 2,5 lần năm 2010; đạt 8 bác sỹ và 23 giường bệnh/10.000 dân…

Giảm nghèo nhanh, bền vững với tỷ lệ bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; diện tích nhà ở bình quân năm 2015 đạt 22 mét vuông sàn/người…

Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42- 43%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%…

Đối với các chỉ tiêu khác về kinh tế, xã hội, môi trường, Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định và báo Quốc hội kết quả thực hiện hàng năm.

Để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu trên, Nghị quyết đề ra 9 định hướng giải pháp thực hiện, mà đầu tiên là phải tập trung khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, ngành…

Quốc hội giao Chính phủ “có đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản phẩm chủ yếu với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể”.

Bên cạnh đó Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, ngành…; tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền; áp dụng đồng bộ chính sách phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa..;

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, quan tâm đến nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa nghệ thuật…; tập trung xây dựng, thực hiện các đề án cải cách tư pháp đảm bảo chất lượng, tiến độ; tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển KT-XH 2011- 2020; hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; tăng cường sức mạnh an ninh, quốc phòng.

Trao đổi với báo chí bên hàng lang hội trường Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, 20 chỉ tiêu chủ yếu đã được các đại biểu Quốc hội xem xét rất kỹ. 9 nhóm giải pháp có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Trong giải pháp tái cơ cấu kinh tế có 3 nội dung trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp và không được xem nhẹ nội dung nào.

Thành Chung


(Theo website Trương Tấn Sang)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét